Hệ lạnh
Sơ đồ nguyên lý hệ thống lạnh kho bảo quản tương đối đa dạng. Có hai dạng phổ biến nhất hay sử dụng là giải nhiệt bằng gió (dàn ngưng) và giải nhiệt bằng nước (bình ngưng). Trước kia người ta hay sử dụng kiểu giải nhiệt bằng gió, tuy nhiên qua thực tế sử dụng, nhận thấy những ngày mùa hè nóng nực hiệu quả giải nhiệt kém, nhiều hệ thống áp suất ngưng tụ khá cao, thậm chí rơ le áp suất cao ngắt không hoạt động được. Ví dụ ở Đà Nẵng, mùa hè nhiều ngày đạt 38oC, khi sử dụng dàn ngưng giải nhiệt bằng gió, thì nhiệt độ ngưng tụ có thể đạt 48oC, nếu kho sử dụng R22, áp suất tương ứng là 18,543 bar. Với áp suất đó rơ le áp suất cao HP sẽ ngắt dừng máy, điều này rất nguy hiểm, sản phẩm có thể bị hư hỏng. Áp suất đặt của rơ le HP thường là 18,5 kG/cm2.
Vì vậy, hiện nay người ta thường sử dụng bình ngưng trong các hệ thống lạnh của kho lạnh bảo quản. Xét về kinh tế giải pháp sử dụng bình ngưng theo kinh nghiệm chúng tôi vẫn rẻ và có thể dễ dàng chế tạo hơn so với dàn ngưng giải nhiệt bằng không khí.
Trên hình 2-13 giới thiệu sơ đồ nguyên lý hệ thống lạnh thường sử dụng cho các kho lạnh bảo quản trong các xí nghiệp chế biến thuỷ sản hiện nay.
Điểm đặc biệt trong sơ đồ nguyên lý này là bình ngưng kiêm luôn chứac năng bình chứa cao áp. Đối với bình ngưng kiểu này, các ống trao đổi nhiệt chỉ bố trí ở phần trên của bình.
Với việc sử dụng bình ngưng – bình chứa, hệ thống đơn giản, gọn hơn và giảm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, nhiệt độ lỏng trong bình thường lớn hơn so với hệ thống có bình chứa riêng, nên áp suất ngưng tụ cao và hiệu quả làm lạnh có giảm.
Các thiết bị chính
1. Máy nén
Máy nén sử dụng cho các loại kho lạnh thường sử dụng là các máy piston một cấp kiểu hở hoặc nửa kín. Hiện nay trong nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản của Việt nam người ta thường sử dụng máy nén COPELAND (Mỹ). Máy nén COPELAND công suất nhỏ và trung bình là loại máy nén pitston kiểu nửa kín. Máy nén Pitston kiểu nửa kín của COPELAND có 02 loại cổ điển (conventional) và kiểu đĩa (discus). Máy nén “discus” có van kiểu đĩa làm tăng năng suất đến 25% và tiết kiệm chi phí năng lượng 16%. Trên hình 2-15 là cơ cấu van đĩa làm giảm thể tích chết và làm tăng năng suất hút thực của máy nén.
2. Thiết bị ngưng tụ
Có rất nhiều kiểu bình ngưng khác nhau được sử dụng để lắp đặt cho các kho lạnh. Hiện nay các bình ngưng của của các hãng như Guntner (Đức), Friga-Bohn (Anh) và rất nhiều hãng khác đã và đang được sử dụng khá phổ biến ở nước ta. Ngoài ra nhiều công ty nước ta cũng có khả năng chế tạo được bình ngưng ống đồng và ống thép cho các hệ thống lạnh frêôn và NH3.
Ưu điểm của việc sử dụng bình ngưng là chế độ làm việc ổn định, ít phụ thuộc vào điều kiện môi trường và hiệu quả giải nhiệt cao.
3. Thiết bị bay hơi
Thiết bị bay hơi sử dụng cho các kho lạnh là loại dàn lạnh ống đồng (hoặc ống thép) cánh nhôm, có hoặc không có điện trở xả băng. Đối với kho lạnh nên sử dụng loại có điện trở xả băng vì lượng tuyết bám không nhiều, sử dụng điện trở xả băng không làm tăng độ ẩm trong kho và thuận lợi khi vận hành.
4. Cụm máy nén - bình ngưng, bình chứa
Cụm máy nén, thiết bị ngưng tụ và bình chứa hệ thống lạnh kho bảo quản thường được lắp đặt thành một cụm gọi là cụm condensing unit.
Cụm máy nén, bình ngưng, bình chứa được bố trí trong gian máy hoặc bên cạnh kho lạnh. Nói chung kích thước của cụm tương đối nhỏ gọn dễ bố trí lắp đặt.
5. Môi chất, đường ống
Môi chất được sử dụng trong các hệ thống lạnh kho bảo quản là các môi chất Frêôn đặc biệt là R22. Người ta ít sử dụng môi chất NH3 vì môi chất NH3 độc và có tính chất làm hỏng sản phẩm bảo quản nếu rò rỉ trong kho. Khi xảy ra sự cố rò rỉ ga có thể gây ra thảm hoạ cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu, trị giá hàng rất lớn.